Theo kết quả công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2020, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Bắc Kạn đạt 61,97 điểm, giảm 0,83 điểm so với năm 2019 (do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên xu hướng chung của các tỉnh, thành phố đều giảm điểm so với năm 2019) ;giữ nguyên xếp hạng 59/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm các tỉnh xếp thứ hạng trung bình trên cả nước.
Trong năm 2020, công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh tiếp tục có bước chuyển biến tích cực. Mặc dù theo công bố của VCCI điểm số PCI năm 2020 đạt 61,97 điểm,giảm 0,83 điểm so với năm 2019, xếp hạng 59/63 tỉnh, thành phố; tuy nhiên tổng điểm 10 chỉ số thành phần của PCI trên địa bàn tỉnh đạt 64,08 điểm; các chỉ số thành phần vẫn duy trì đạt mức trên 5 điểm, không còn chỉ số nào bị giảm điểm xuống dưới trung bình. Trong 10 chỉ số thành phần, chỉ số xếp hạng cao nhất là 8, thấp nhất là 60, có 9 chỉ số thành phần xếp hạng từ 55 trở xuống. Thiết chế pháp lý tiếp tục được nâng cao; chất lượng cải cách TTHC đã có nhiều cải thiện, thời gian để doanh nghiệp thực hiện TTHC và tiếp các đoàn thanh, kiểm tra đã giảm so với năm 2019.
Cụ thể, có 6 chỉ số thành phần tăng điểm bao gồm: Gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Thiết chế pháp lý.
Điểm số PCI theo thời gian của Bắc Kạn
Trong các chỉ số thành phần, Chỉ số gia nhập thị trường được 8,15 điểm, tăng 1,34 điểm so với năm 2019, xếp hạng 21/63 tỉnh, thành phố, tăng 30 bậc so với năm 2019. Chỉ số gia nhập thị trường năm 2020 tăng là do tỉ lệ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua phương thức trực tuyến, dịch vụ công, bưu chính công ích tăng, đạt 55%; các chỉ tiêu tăng như: Thủ tục được niêm yết công khai đạt 94%, cán bộ hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ đạt 94%, cán bộ am hiểu chuyên môn đạt 89%, cán bộ nhiệt tình thân thiện đạt 83% và việc ứng dụng công nghệ thông tin tốt đạt 61%.
Chỉ số Tiếp cận đất đai năm 2020 của tỉnh tăng nhẹ so với 2019. Cụ thể, Chỉ số tiếp cận đất đai được 6,11 điểm, tăng 0,35 điểm so với năm 2019, xếp hạng 54/63 tỉnh, thành phố, tăng 8 bậc so với năm 2019. Năm 2020, 47% doanh nghiệp đánh giá việc thực hiện TTHC về đất đai không gặp khó khăn, tăng 27% so với năm 2019; doanh nghiệp đánh giá rủi ro khi bị thu hồi đất ở mức tương đối thấp.
Năm 2020, chỉ số Chi phí thời gian của tỉnh được cải thiện đáng kể so với năm 2019. Chỉ số chi phí thời gian được 6,81 điểm, tăng 1,66 điểm so với năm 2019, xếp hạng 55/63 tỉnh, thành phố, tăng 8 bậc so với năm 2019. Tỉ lệ doanh nghiệp dành thời gian để tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật là 22%, giảm 17% so với năm 2019. Một số chỉ tiêu như: Tỉ lệ doanh nghiệp đánh giá không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục, thủ tục giấy tờ đơn giản, thời gian thực hiện thủ tục được rút ngắn hơn so với quy định, phí lệ phí được niêm yết công khai đã được cải thiện hơn so với năm 2019. Chỉ còn 7% doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra từ 5 cuộc trở lên; số giờ trung bình làm việc với thanh, kiểm tra thuế đã giảm 20 giờ so với năm 2019.
Chỉ số chi phí không chính thức năm 2020 đã được cải thiện, với 5,99 điểm, tăng 0,42 điểm so với năm 2019, xếp hạng 50/63 tỉnh, thành phố, tăng 6 bậc so với năm 2019. Tỉ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra giảm còn 28%; doanh nghiệp lo ngại tình trạng “chạy án” là phổ biến giảm còn 22%.
Chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp được 5,62 điểm, tăng 0,39 điểm so với năm 2019, xếp hạng 44/63 tỉnh, thành phố, tăng 17 bậc so với năm 2019. Theo đó, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh tiếp tục được cải thiện so với năm 2019: Số hội chợ thương mại do tỉnh tổ chức trong năm 2020 là 10 cuộc; Tỉ lệ doanh nghiệp từng sử dụng các dịch vụ: tìm kiếm thông tin thị trường, tư vấn về pháp luật, tìm kiếm đối tác kinh doanh, xúc tiến thương mại, công nghệ, đào tạo về kế toán, tài chính, đào tạo về quản trị kinh doanh nhìn chung tăng so với năm 2019.Tỉ lệ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên tổng số doanh nghiệp của tỉnh là 0,7%, tăng 0,08% so với năm 2019.
Chỉ số thiết chế pháp lý được 7,54 điểm, tăng 0,54 điểm so với năm 2019, xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố, tăng 10 bậc so với năm 2019. Nhìn chung các chỉ tiêu cơ bản đều được cải thiện hơn so với năm 2019, các doanh nghiệp đánh giá tốt việc xét xử các vụ án kinh tế của Tòa án; 100%doanh nghiệp đánh giá cơ quan công an hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết hiệu quả vụ mất trộm tài sản, tăng 29% so với năm 2019 và tiếp tụckhông còn doanh nghiệp phải trả tiền ‘bảo kê’ cho băng nhóm côn đồ, xã hội đen để yên ổn làm ăn; tỉ lệ vụ việc kinh tế đã được giải quyết trong năm đạt 69%, tăng 31% so với năm 2019.
Bên cạnh 6 tiêu chí tăng điểm, có 4 chỉ số thành phần giảm điểm gồm: Tính minh bạch, Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động, Đào tạo lao động. Nhìn chung, các chỉ số thành phần vẫn duy trì đạt mức trên 5 điểm, không còn chỉ số giảm điểm xuống dưới trung bình.
Trong thời gian tới, để cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, điều cần thiết là phải phát hiện những điểm còn hạn chế để tiếp tục cải cách việc điều hành môi trường kinh doanh của tỉnh, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Tiếp tục tập trung cải thiện các chỉ số thành phần: Tính minh bạch, Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động, Đào tạo lao động là các chỉ số giảm điểm so với cả nước. Tiếp tục cải cách hành chính theo hướng tăng cường ứng dụng CNTT, tăng tính minh bạch để giảm thời gian, giảm chi phí chính thức và không chính thức cho DN, nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế do tác động của dịch Covid-19./.
Nguyễn Nga