TP. Bắc Kạn gắn phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái

      BBK- Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, TP. Bắc Kạn đang cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn thông qua loại hình du lịch sinh thái gắn với nông, lâm nghiệp.

     Vùng trồng nghệ nguyên liệu tại thôn Tân Thành, xã Nông Thượng, TP. Bắc Kạn có cảnh quan đẹp, phù hợp trở thành điểm du lịch trải nghiệm.

            Thế mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp

       Phát triển nông, lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch là chủ trương của tỉnh được UBND TP. Bắc Kạn cụ thể hóa bằng kế hoạch thực hiện từ cuối năm 2021. Theo đó, thành phố phấn đấu đến năm 2025 có 03 vùng sản xuất nông, lâm nghiệp có sản phẩm nông sản đạt chất lượng cao và 01 làng nghề chế biến nông lâm sản tạo nên sự phong phú, hấp dẫn phục vụ khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm du lịch.

       Mặc dù không chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, song lĩnh vực nông, lâm nghiệp đóng góp lớn cho với nền kinh tế của thành phố. Giá trị sản xuất nông lâm, nghiệp và thủy sản bình quân giai đoạn 2016-2020 của thành phố đạt trên 165 tỷ đồng/năm.

       Để tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, thành phố bước đầu xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, toàn diện theo hướng hàng hóa. Đến nay, nhiều diện tích đất kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang trồng cây có giá trị cao như: Quế, mơ vàng, cam, quýt, chuối, rau sạch… Hiện thành phố có 50 hợp tác xã, 2/2 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đang xây dựng nông thôn mới nâng cao (Nông Thượng và Dương Quang). Người dân tích cực tham gia Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), với 28 sản phẩm OCOP từ 3 – 4 sao, tiêu biểu như: Nghệ nano (dạng viên, bột, nước), tinh bột nghệ nếp, nghệ đen cao cấp, nấm linh chi, mộc nhĩ, lạp sườn, thịt lợn gác bếp, chuối sấy dẻo, rượu chuối, mơ vàng…

       Nhiều tiềm năng du lịch chưa được khai thác

       Là một trong những điểm kết nối quan trọng của vòng cung du lịch Đông Bắc, thành phố Bắc Kạn có tiềm năng du lịch phong phú, như: Hồ chứa nước Nặm Cắt; di tích danh lam thắng cấp quốc gia động Áng Toòng; các công trình văn hóa tín ngưỡng tâm linh như đền Cô, đền Mẫu… Mặt khác, từ TP. Bắc Kạn có thể dễ dàng đến các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, du lịch sinh thái trong tỉnh như: Hồ Ba Bể (Ba Bể), đền Thác Giềng, đền Thắm, chùa Thạch Long (Chợ Mới), đền An Mã, chùa Phố cũ (Ba Bể); di tích lịch sử Nà Tu, di tích đồn Phủ Thông (Bạch Thông), các di tích lịch sử ATK thuộc huyện Chợ Đồn…

       Để phát huy các lợi thế về nông, lâm nghiệp và du lịch, thành phố dự kiến xây dựng một số mô hình du lịch trải nghiệm vùng sản xuất rau thủy canh, cây ăn quả gắn với du lịch hồ chứa nước Nặm Cắt; mô hình du lịch trải nghiệm vùng sản xuất và chế biến nghệ tại xã Nông Thượng; Mô hình du lịch trải nghiệm vùng trồng mơ vàng ở phường Xuất Hóa gắn với khu du lịch danh lam thắng cảnh động Áng Toòng; phát triển một số làng nghề chế biến sản phẩm thủ công mỹ nghệ…

      Gắn phát triển du lịch cộng đồng với phát triển nông – lâm nghiệp

      Các nhà trường tổ chức cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm hoạt động sản xuất, chế biến nghệ tại HTX nông nghiệp Tân Thành.

        Sau khi khảo sát, phòng chuyên môn đang tham mưu cho UBND thành phố triển khai thí điểm Mô hình du lịch trải nghiệm vùng sản xuất và chế biến nghệ tại thôn Tân Thành, xã Nông Thượng. Nơi đây cách thành phố Bắc Kạn khoảng 8km. Trong vùng có các triền đồi thoai thoải phủ bạt ngàn màu xanh của lá nghệ, của rừng quế. Xen lẫn đó là những vườn ổi, xoài, cóc, cam, quýt. Đặc biệt là những đồi mơ, mận chờ tháng Chạp, tháng Giêng âm lịch hằng năm để bung hoa.

       Theo đó, thành phố sẽ lựa chọn những khu vực địa hình thuận tiện tại thôn Tân Thành để đầu tư hệ thống đường đi, wifi miễn phí, pano quảng cáo, điểm chụp ảnh check-in, nơi bày bán hàng hóa, nông sản đặc trưng; tạo dịch vụ cho du khách tham quan, trải nghiệm các hoạt động thu hoạch, sơ chế, chế biến sản phẩm từ nghệ. Nơi đây còn có thể liên kết với các trường học tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh.

       Theo ông Triệu Văn Nhúc, Chủ tịch UBND xã Nông Thượng: Khi được đầu tư trở thành điểm du lịch trải nghiệm gắn với sản xuất nông, lâm nghiệp, người dân thôn Tân Thành nói riêng và toàn xã nói chung sẽ có cơ hội mở mang tư duy làm ăn, phát triển dịch vụ, tạo việc làm và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Mô hình cũng sẽ góp phần tích cực giúp xã sớm về đích trong xây dựng nông thôn mới nâng cao./.

Nguồn: baobackan.com.vn (Tác giả Đăng Bách)

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content