Sức hút từ những dòng thác dưới chân núi Phja Boóc

Xã Vi Hương (Bạch Thông) có hệ thống 3 con thác bắt nguồn từ dãy núi Phja Boóc, đây đều là những con thác đẹp, hùng vĩ và có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, khám phá hấp dẫn, mang lại những lợi ích cho cộng đồng nếu được đầu tư bài bản.

 Vằng Áng mang vẻ đẹp hoang sơ với các tầng thác nước từ đỉnh núi Phja Boóc nối đuôi nhau chảy xuống

Trong các con thác bắt nguồn từ dãy núi Phja Boóc, điểm nhấn là thác Vằng Áng. Những năm gần đây, thác Vằng Áng đã trở thành địa điểm quen thuộc được nhiều người dân trong và ngoài huyện đến tham quan, tắm mát, đặc biệt là vào những ngày hè.

Con thác nằm ẩn mình nơi rừng sâu với dòng nước trong mát, cùng nhiều nét đẹp tự nhiên và chỉ cách thị trấn Phủ Thông chừng 15 phút đi xe máy. Dừng chân tại thôn Thủy Điện, đi vài bước là du khách đã đến thác Vằng Áng. Không chỉ được tắm, ngâm mình dưới làn nước trong xanh, mát lạnh mà khu vực này còn có nhiều bãi đá, đá liền khối có diện tích hàng chục m2 tương đối bằng phẳng, là địa điểm lý tưởng đối với các bạn trẻ có đam mê chụp ảnh, ngắm cảnh, cắm trại dã ngoại…

Sau khi tham quan, tắm mát khu vực thác Vằng Áng, nếu du khách có sở thích, đam mê du lịch sinh thái, trải nghiệm đi rừng, leo núi thì có thể tiếp tục đi bộ theo con đường mòn khoảng chừng hơn 1 giờ đồng hồ, qua 3 – 4 con suối và leo mấy con dốc là đến khu vực đồi Khuổi Luông ngắm những thửa ruộng bậc thang với những ruộng ngô xanh mướt hay những ruộng lúa vàng óng sắp vào vụ thu hoạch; thăm di tích lịch sử nơi thành lập Chi bộ Hoa Sơn, một tổ chức cơ sở Đảng đầu tiên của huyện Bạch Thông được thành lập vào năm 1946. Đứng ở đây có thể phóng tầm mắt ra xa nhìn ngắm thiên nhiên hoang sơ nhưng đẹp lạ thường. Màu xanh bao la, điểm đâu đó là màu đỏ, vàng của hoa chuối rừng cảm giác thật thư thái, tâm hồn như hòa nhịp với thiên nhiên. Tiếp đó, du khách có thể đi bộ đến thác Dơi. Đây là thác nước cao hàng chục mét, tiếng thác đổ ầm ầm và hơi nước mát có thể cảm nhận được từ cách đó rất xa. Hòa mình trong làn nước mát lạnh của thác Dơi giúp xua tan mọi mệt nhọc, lo toan của cuộc sống.

Tiếp tục hành trình leo núi qua gần một giờ đồng hồ nữa, vượt qua rừng vầu thẳng tắp, dưới tán cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, đến tham quan, ngắm cảnh thác nước khu vực Lũng Tao, Hin Lạn. Cảnh tượng hiện ra trước mắt là dòng thác bạc thi nhau đổ xuống, bọt tung trắng xóa, các tầng nối tiếp nhau và cao dần như những bậc thang. Nhiệt độ trong thác khá mát mẻ, lúc nào cũng thấp hơn nhiệt độ bên ngoài khoảng 4 – 5 độ C. Đây cũng là địa điểm tham quan cuối của hành trình.

Thay vì những chuyến đi chơi xa, anh Nguyễn Quang Huy trú tại phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn cùng bạn bè quyết định khám phá vẻ đẹp hoang sơ của thác Vằng Áng. “Âm thanh của núi rừng, cảnh sắc nên thơ của những con thác hòa quyện cùng nét văn hóa độc đáo của người dân bản địa là sức hút khó cưỡng đối với du khách từng đặt chân đến Vằng Áng. Chắc chắn chúng tôi sẽ quay trở lại nơi đây để được hòa mình vào thiên nhiên, hít thở bầu không khí trong lành mà không phải ở đâu cũng có được” – anh Huy chia sẻ sau chuyến khám phá.

Huyện Bạch Thông thành lập đoàn khảo sát đánh giá tiềm năng phát triển du lịch thác Vằng Áng (Trong ảnh: Khu vực chùa Hoa Sơn)

Tiềm năng du lịch sinh thái, khu vực thác Vằng Áng cùng những giá trị văn hóa, lịch sử của Vi Hương nói chung được ví như thiếu nữ đẹp nhưng vẫn ngủ yên cần đánh thức. Chủ tịch UBND xã Vi Hương Vi Văn Huân nhận định, những năm gần đây, lượng khách đến tham quan, tắm mát tại thác Vằng Áng gia tăng, đặc biệt là vào dịp nghỉ hè hay các ngày nghỉ lễ. Không chỉ có khách ở trong huyện mà còn có nhiều khách tại các huyện, tỉnh khác đến trải nghiệm. Tuy nhiên, du lịch trải nghiệm, khám phá ở Vi Hương vẫn còn ở mức sơ khai, chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của địa phương.

Trong định hướng phát triển du lịch giai đoạn tới, huyện Bạch Thông xác định khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, các điểm di tích lịch sử, điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm cộng đồng hấp dẫn, tạo đà cho ngành du lịch phát triển đi lên. Trong đó, những di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh thiên nhiên ở Vi Hương được đánh giá có nhiều tiềm năng để khai thác. Mới đây, huyện Bạch Thông đã tổ chức đoàn công tác khảo sát thực địa tại Vi Hương nhằm có cái nhìn tổng quan, cụ thể để phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm tại Vi Hương.

Đoàn công tác của huyện Bạch Thông khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển du lịch khu vực thác Vằng Áng

Đồng chí Đỗ Thị Hiền – Bí thư Huyện ủy Bạch Thông đánh giá: “Qua chuyến khảo sát mới đây, chúng tôi nhận thấy những tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch khám phá, trải nghiệm tại xã Vi Hương. Về cảnh quan thiên nhiên, nguồn nước suối thuộc các con thác này rất sạch, nước mát có thể phù hợp nuôi các loại cá nước lạnh. Với địa hình cao khoảng 500 – 700 m so với mặt nước biển, khu vực thác Vằng Áng, thác Dơi hay thác Hin Lạn có thể trồng các cây trồng nhiệt đới như lê, mận và phát triển cây trồng dược liệu. Nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây cũng sẽ là chất liệu quý để khai thác, phát triển du lịch trải nghiệm cộng đồng. Ngoài ra, Vi Hương còn một số di tích lịch sử, văn hóa đã được tỉnh xếp hạng. Trước mắt, huyện sẽ giao cho cơ quan chuyên môn xây dựng đề án phát triển du lịch trải nghiệm ở Vi Hương; trong đó tập trung nguồn lực hỗ trợ người dân phát triển mô hình nông nghiệp, vừa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa, vừa là địa điểm để khách tham quan trải nghiệm. Ngoài ra, huyện cũng sẽ hỗ trợ đầu tư một số hạ tầng nhất định cho khu vực này bằng nhiều nguồn lực khác nhau. Việc tính toán kêu gọi thu hút đầu tư phát triển du lịch tại Vi Hương cũng sẽ được nghiên cứu thêm”./.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn (Tác giả Thu Trang)

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content