Hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011-2020, định hướng phát triển đến năm 2030
Bắc Kạn là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển về sản xuất nông nghiệp và tài nguyên khoáng sản như chì, kẽm, sắt, vàng, khoáng chất công nghiệp, vật liệu xây dựng, tài nguyên rừng… thuận lợi cho việc phát triển các ngành công nghiệp khai thác, sản xuất, chế biến các sản phẩm hàng hóa công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của tỉnh có giá trị xuất khẩu cao; với mức độ che phủ rừng cao, trên 73% và hàng năm trồng bổ sung hàng chục nghìn ha rừng, đây là tiềm năng lớn cho việc phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản phục vụ xuất khẩu.
Trong thời gian qua, tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, ban hành một số cơ chế khuyến khích, thuận lợi để phát triển sản xuất hàng hóa, sản phẩm nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; đặc biệt tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, lựa chọn những sản phẩm có tiềm năng, lợi thế nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh để phát triển chuỗi giá trị sản phẩm hướng tới xuất khẩu. Một số sản phẩm hàng hóa thế mạnh của địa phương đã có thương hiệu và được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận như: Gỗ dán ép, các sản phẩm từ nghệ, gừng, quả mơ, gừng tươi đã qua sơ chế, Miến dong Bắc Kạn….
Biểu đồ kim ngạch xuất nhập khẩu tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011-2020
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020 đạt 70,023 triệu USD, trong đó giai đoạn 2011-2015 đạt 45,345 triệu USD (xuất khẩu đạt 4,192 triệu USD, nhập khẩu đạt 41,153 triệu USD) và giai đoạn 2016-2020 đạt 24,678 triệu USD (xuất khẩu đạt 11,901 triệu USD, nhập khẩu đạt 12,777 triệu USD; chiếm 0,002% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước).
Tuy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giai đoạn 2016-2020 thấp hơn giai đoạn 2011-2015, tuy nhiên cơ cấu cán cân xuất khẩu khẩu của tỉnh đã có sự chuyển biến rõ rệt, kim ngạch xuất khẩu ngày càng phát triển và có xu hướng tăng; riêng năm 2020 kim ngạch xuất khẩu đạt 7,5 triệu USD, chiếm 59% trong tổng số kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm (năm 2011, kim ngạch nhập khẩu chiếm 100%). Trong 7 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh đạt 17 triệu USD, tăng 277% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 170% kế hoạch, trong đó: kim ngạch xuất khẩu đạt 12 triệu USD, đạt 400% kế hoạch và kim ngạch nhập khẩu đạt 5 triệu USD, đạt 71,4% kế hoạch.
Giai đoạn 2011-2020, trên địa bàn tỉnh có 08 doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu (Công ty Cổ phần Kinh doanh VMPC, Công ty TNHH Việt Nam Misaki, Công ty Cổ phần Đầu tư Govina, Công ty TNHH Lecheenwodd Việt Nam, Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn, Công ty TNHH Ngọc Linh, Công ty TNHH XNK Vinacom Việt Nam, HTX Tài Hoan), mặt hàng xuất khẩu là nông sản, ván dán, đũa gỗ, chì thô, bột kẽm ô xít,… thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Han Quốc, Cộng hòa Séc… và có 08 doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu (Công ty TNHH Ngọc Linh, Công ty TNHH Việt Nam Misaki, Công ty Cổ phần Đầu tư Govina, Công ty Cổ phần Sông Đà Bắc Kạn, Công ty TNHH Lecheenwodd Việt Nam, Công ty TNHH XNK Vinacom Việt Nam, Công ty Cổ phần Thuỷ điện Sử Pán 1, Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn).
Ảnh sản xuất đũa gỗ xuất khẩu tại Nhà máy sản xuất đũa gỗ của Công ty cổ phần Govina ở xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh còn những tồn tại, hạn chế, đó là: Hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh không ổn định và không đạt được kế hoạch đề ra; sản phẩm hàng hóa còn nhỏ lẻ, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường phân phối hiện đại và xuất khẩu; việc áp dụng công nghệ thông tin hiện đại (như thương mại điện tử, sàn giao dịch điện tử, website doanh nghiệp…) trong hoạt động kinh doanh còn nhiều hạn chế; các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong những năm qua gặp phải những khó khăn nhất định như khó tiếp cận nguồn vốn, sản phẩm tiêu thụ chậm, hàng tồn kho lớn, thiếu nguyên liệu sản xuất, phải thu hẹp quy mô, sản xuất cầm chừng hoặc tạm dừng hoạt động, một số ít doanh nghiệp còn khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hải quan.
Nguyên nhân chủ yếu là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu của những năm trước đây; giá xăng dầu, điện, vật tư, nguyên liệu đầu vào, thuế, phí… tăng, giảm thất thường ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp; nền kinh tế của tỉnh có xuất phát điểm thấp, vị trí địa lý không thuận lợi, điều kiện địa hình phức tạp nên rất khó khăn trong sản xuất, thu hút đầu tư và thông thương hàng hoá; bên cạnh đó doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh chủ yếu quy mô nhỏ do vậy trong quá trình thực hiện thiếu sự liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa (nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển và người tiêu dùng).
Để hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu về xuất nhập khẩu do Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra – giai đoạn 2021-2022 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bình quân 10%/năm và hoàn thành chỉ tiêu Quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2078/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 – đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 30 triệu USD, tỉnh Bắc Kạn định hướng “Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế như: Công nghiệp khai thác và chế biến sâu khoáng sản; công nghiệp chế biến nông, lâm sản thực phẩm và một số ngành sản xuất công nghiệp sử dụng nhiều lao động địa phương. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đặc biệt là hạ tầng kết cấu khu, cụm công nghiệp. Huy động các nguồn vốn thực hiện đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ gắn với phát triển đô thị, du lịch và phù hợp với chương trình nông thôn mới; tập trung phát triển sản xuất, xây dựng mặt hàng chủ lực phục vụ cho xuất khẩu; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”.
Nhằm thực hiện các mục tiêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn xác định 06 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho giai đoạn 2021-2030, đó là: Một là, quy hoạch vùng nguyên liệu, phát triển sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu, nhất là vùng nguyên liệu của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Chế biến gỗ, miến dong, tinh bột nghệ, hoa quả chế biến…. Hai là, tăng cường xúc tiến đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu. Ba là, đẩy mạnh tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về xuất khẩu và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu. Bốn là, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu. Năm là, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, nhất là chất lượng đội ngũ doanh nghiệp về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, đáp ứng được xu thế hội nhập, nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật thương mại quốc tế để sẵn sàng đối phó với tranh chấp thương mại trên thị trường nước ngoài. Sáu là, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, kế hoạch phát triển xuất khẩu tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2021-2025./.
Thu Hiền