Nhiều HTX năng động trong liên kết tiêu thụ nông sản

Thời gian qua, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã chủ động, nhạy bén trong nắm bắt thị trường, tạo lập được các mối liên kết, hợp tác với các hộ dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, qua đó giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm, tăng thu nhập cho thành viên và hộ dân liên kết.

HTX Yến Dương (Ba Bể) liên kết tiêu thụ cho hộ dân hàng trăm tấn bí xanh thơm mỗi vụ.

Vụ xuân vừa qua, HTX Dịch vụ du lịch Lủng Cháng, xã Hà Hiệu (Ba Bể) đã liên kết bao tiêu sản phẩm lúa hữu cơ cho hơn 100 hộ dân trên địa bàn xã với diện tích gần 17ha. Anh Dương Minh Hiệp- Giám đốc HTX cho biết: HTX đã chủ động tìm hướng liên kết với các đơn vị để bao tiêu sản phẩm thóc tươi cho bà con theo đúng giá thị trường. Vì vậy, bà con địa phương rất phấn khởi, yên tâm đầu tư vào canh tác để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cho vụ sau.

Tại huyện Chợ Mới, HTX Đoàn Kết (xã Cao Kỳ) đã liên kết được với gần 200 hộ dân của xã để bao tiêu sản phẩm quả mơ vàng đến các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Hà Nội và miền Trung, miền Nam. Trung bình mỗi năm, HTX giúp tiêu thụ từ 400 – 500 tấn mơ vàng, sản xuất và tiêu thụ 4 tấn ô mai mơ thành phẩm, qua đó mang lại nguồn thu nhập khá và ổn định cho người dân địa phương.

Bà Trịnh Thị Thư- Giám đốc HTX Đoàn Kết cho hay: Hiện nay, HTX đã chủ động liên kết với các hộ dân để tuyển chọn những quả mơ đủ tiêu chuẩn cung cấp nguyên liệu cho Công ty TNHH Việt Nam MISAKI tại Khu Công nghiệp Thanh Bình. Đối với những quả mơ vàng đạt tiêu chuẩn, Công ty thu mua với giá 8.000 đồng/kg, mỗi lần bao tiêu hàng trăm tấn. Còn với những quả mơ không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thì HTX liên kết với các tư thương để tiêu thụ cho bà con.

Năm 2021,  HTX Trần Phú (Na Rì) liên kết với 100 hộ dân địa phương và một số xã trong tỉnh để bao tiêu sản phẩm lợn thịt bản địa và lợn giống. Việc liên kết này không chỉ giúp tạo ra nguồn thực phẩm sạch cho thị trường, mà còn góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn. HTX Trần Phú đang tích cực tuyên truyền, vận động để có thêm nhiều người dân tham gia liên kết mô hình chăn nuôi lợn bản địa, đồng thời thực hiện hỗ trợ cho bà con để có những mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả hơn.

Mặc dù thời gian qua, hoạt động của khu vực kinh tế tập thể gặp không ít khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, giá cả vật tư nông nghiệp, xăng dầu tăng cao, tuy nhiên với sự năng động, mạnh dạn đổi mới trong cách làm, nhiều HTX đã xây dựng được mối liên kết bền chặt với các hộ sản xuất và doanh nghiệp.

Đến nay, các HTX trong tỉnh đã liên kết với khoảng 5.000 hộ dân và hàng trăm doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm nông sản. Trong đó, trên 70% HTX liên kết tiêu thụ các sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP và chứng nhận an toàn thực phẩm. Điều này đã và đang khẳng định vai trò tích cực của các HTX trong việc liên kết với các hộ nhỏ lẻ để dần hình thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn, đảm bảo an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường./.

Nguồn: Báo Bắc Kạn điện tử (Tác giả H.T)

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content