Phát triển bền vững ngành công nghiệp khai khoáng: Kỳ 2 – Tăng giá trị khoáng sản nhờ chế biến sâu

Việc nghiên cứu sản xuất và chế biến sâu sản phẩm khoáng sản là một quy luật tất yếu của phát triển công nghiệp, trên cơ sở đó khai thác lợi thế của địa phương, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng thu ngân sách là nhiệm vụ được tỉnh Bắc Kạn ưu tiên trong giai đoạn tới.

                  Sản phẩm chì kim loại của Công ty Cổ phần Khoáng sản sau khi thành phẩm

         Khởi động các nhà máy chế biến sâu

         Nhà máy luyện chì của Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn là đơn vị thực hiện chế biến sâu của tỉnh, sau một thời gian dài dừng hoạt động vì nhiều lý do, đến tháng 7/2022, dây chuyền sản xuất mới hoạt động trở lại. Sản phẩm của nhà máy là chì kim loại cô đặc hàm lượng trên 97%, trọng lượng một khuôn lên đến gần 1 tấn, giá trị kinh tế vài chục triệu đồng/khuôn. Theo đại diện Công ty Cổ phần khoáng sản Bắc Kạn, khi chưa có nhà máy luyện chì, các nguyên liệu đầu vào sau khi qua công đoạn tuyển, tách, nghiền thì sản phẩm làm ra chỉ bán dưới dạng thô, chưa tối ưu hết nguồn nguyên liệu, gây lãng phí nguồn tài nguyên. Từ khi khởi động lại nhà máy, chỉ trong 3 tháng, đơn vị đã sản xuất được khoảng 1.600 tấn chì kim loại, các sản phẩm đều chuyển về tiêu thụ tại nhà máy chế biến ở tỉnh Lạng Sơn.

Đồng chí Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: “Tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác quy hoạch, thăm dò khoáng sản, cấp chủ trương cho các nhà máy để thực hiện chế biến sâu. Trước mắt là thành lập Cụm công nghiệp Thanh Thịnh (Chợ Mới) nhằm thu hút các doanh nghiệp thứ cấp tham gia chế biến kim loại màu. Tỉnh cũng chuẩn bị cấp chủ trương đầu tư sản xuất ắc quy từ doanh nghiệp ở huyện Chợ Đồn, hiện đã trình quy hoạch Bộ Công thương để đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tập trung tiếp tục xem xét cơ cấu lại mỏ sắt ở Chợ Đồn để tận thu nguyên liệu, chế tạo sản phẩm gang đúc phục vụ công nghiệp phụ trợ”. Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hoàng Nam (Chợ Đồn) là đơn vị đang tập trung chế biến sâu, công suất thiết kế 5.000 tấn chì/năm, nhưng hiện nay hoạt động của nhà máy mới đáp ứng được khoảng 60% công suất. Năm 2021, doanh thu từ khai thác chế biến của đơn vị đạt hơn 150 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 30 tỷ đồng.

Theo lộ trình, giai đoạn tới, đơn vị sẽ đi sâu vào sản xuất điện phân, 

nâng hàm lượng chì thô (tỷ lệ từ 96% lên 99%) để làm nguyên liệu sản xuất pin, ắc quy. Đề nghị này đã được tỉnh đồng ý và trình Bộ Công thương. Ông Đinh Văn Thức, Giám đốc Công ty cho biết: “Đây là kế hoạch lâu dài, nên trước mắt chúng tôi sẽ làm từng bước một. Hiện đơn vị đã đăng ký mặt bằng khoảng 10ha tại thôn Bản Tàn, thị trấn Bằng Lũng để xây dựng cơ sở hạ tầng làm nơi sản xuất dây chuyền điện phân trong tương lai và các sản phẩm phụ khác”…

        Toàn tỉnh hiện có 9 nhà máy kỳ vọng chế biến sâu, nhưng hiện tại mới chỉ có một vài nhà máy đáp ứng được hoạt động chế biến sâu như: Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hoàng Nam; Nhà máy tuyển luyện chì kẽm Ngân Sơn với sản phẩm chì kim loại; Công ty TNHH Ngọc Linh đang hoàn thiện dây chuyền điện phân chì kẽm, hiện vài bộ phận đang chạy thử… Nhà máy luyện chì kim loại 20.000 tấn/năm; Nhà máy sản xuất Feromagan công suất 60.000 tấn/năm (thị trấn Bằng Lũng) đều đang trong quá trình hoàn thiện, cũng mở ra hy vọng cho sản xuất chế biến sâu của tỉnh. Tuy nhiên, các sản phẩm làm ra hiện nay vẫn chủ yếu xuất khẩu, phục vụ trong nước, chưa hình thành liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

        Nhiều giải pháp mở cho công nghiệp chế biến

        Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 12/8/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ tư (khóa XII) về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu chung là phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gắn bảo vệ môi trường. Trong đó, trọng tâm là chế biến công nghiệp khai thác, chế biến sâu kim loại màu (chì kẽm), phát triển theo chuỗi giá trị nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm. Mục tiêu đến năm 2025 GRDP khu vực công nghiệp tăng trưởng bình quân đạt trên 13%/năm, thu ngân sách khu vực công nghiệp tăng bình quân 10%/năm. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật 4 cụm công nghiệp từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn xã hội hóa, bảo đảm các cụm công nghiệp được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đạt tỷ lệ lấp đầy trên 60%.

          Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết, ngày 31/12/2021, UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển công nghiệp chế biến tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đối với lĩnh vực khoáng sản tập trung nguồn nguyên liệu quặng, chì, kẽm cho các nhà máy luyện chì bảo đảm công suất thiết kế. Khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, sử dụng đa dạng nguồn nguyên liệu, sản xuất các sản phẩm kim loại tinh luyện có giá trị gia tăng cao. Đôn đốc, chỉ đạo tái cơ cấu một số nhà máy trọng điểm, đôn đốc dự án Nhà máy điện phân chì kẽm Bắc Kạn 35.000 tấn/năm; nhà máy luyện chì kim loại 20.000 tấn/năm; nhà máy sản xuất Feromagan công suất 60.000 tấn/năm theo đúng chủ trương đầu tư đã được phê duyệt.

       Xem xét triển khai dự án luyện kim đen với quy mô, công suất phù hợp. Phấn đấu đến năm 2025 các nhà máy, dự án hoàn thiện đạt công suất thiết kế, sản lượng sản phẩm đạt tối thiểu 15.000 tấn chì kim loại, 15.000 tấn kẽm kim loại.

         Để phục vụ hoạt động chế biến ngành công nghiệp, hiện tỉnh đã đồng ý chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản cụm công nghiệp tại 3 huyện với quy mô 53ha bao gồm: Cụm công nghiệp Nam Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn 20ha; Cụm công nghiệp Vằng Mười, huyện Na Rì 15ha; Cụm công nghiệp Chu Hương, huyện Ba Bể 18ha, tổng mức đầu tư dự án 225 tỷ đồng. Ngày 04/11/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc thành lập Cụm công nghiệp Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới, quy mô 50ha, do Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn làm chủ đầu tư, dự kiến khởi công quý I/2023, hoàn thành và vận hành trong quý II/2024. Mục tiêu phục vụ chế biến khoáng sản, sản xuất kim loại, công nghiệp chế biến và chế tạo khác…

        Trên cơ sở tiềm năng, cùng với nhiệm vụ sắp xếp, cơ cấu lại ngành công nghiệp vfa chủ trương, giải pháp của tỉnh đưa ra, kỳ vọng ngành công nghiệp khai khoáng của tỉnh sẽ thu lại kết quả khá, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. /.

Nguồn: baobackan.com.vn (Tác giả Thu Trang)

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content