Bắc Kạn – Tiềm năng và cơ hội phát triển

Bắc Kạn là tỉnh miền núi nằm ở vùng Đông Bắc, cách thủ đô Hà Nội khoảng 170km về phía Bắc. Đây vùng đất được mệnh danh “thủ đô kháng chiến”, nơi có nhiều di tích lịch sử ghi dấu hoạt động của Trung ương Đảng, Bác Hồ, của quân, dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược và nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú có tiềm năng lớn để phát triển du lịch.

Danh lam thắng cảnh

Bắc Kạn được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh, hang động, thác nước, là xứ sở của các dạng địa hình karst điển hình, tiêu biểu là các hang động kỳ vĩ như: động Puông, động Hua Mạ, động Nàng Tiên, động Thạch Long… với các nhũ đá, cột đá nhiều hình thù sinh động, độc đáo, trong đó nổi bật là khu du lịch Ba Bể. Đây là khu du lịch trọng điểm của tỉnh với nhiều điểm tham quan du lịch độc đáo, là nơi tập trung hầu hết các tài nguyên du lịch quan trọng nhất của Bắc Kạn với các thắng cảnh: ao Tiên, đảo Bà Góa, đền An Mã, thác Đầu Đẳng, thác Tát Mạ, sông Năng, động Nà Phoòng, hang Thẳm Kít, hang Thẳm Phầy… phù hợp với các loại hình du lịch như: sinh thái, nghỉ dưỡng; văn hóa, lịch sử; mạo hiểm, thể thao… hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Hồ Ba Bể

“Bắc Kạn có suối đãi vàng
Có hồ Ba Bể có nàng áo xanh”

Hồ Ba Bể cách thành phố Bắc Kạn 70km về phía Tây Bắc, là một trong những di tích danh lam thắng cảnh tự nhiên đẹp, độc đáo nhất Việt Nam. Hồ Ba Bể được hình thành do sự biến động cấu tạo địa chất cách đây hàng triệu năm làm sụt lún các dãy núi đá vôi, hang động. Hồ được hợp thành từ 3 hồ (Pé Lèng, Pé Lù, Pé Lầm) nên có tên gọi là hồ Ba Bể. Hồ có chiều dài hơn 8km, chỗ rộng nhất 2km, diện tích mặt nước 500ha, độ sâu trung bình 20m, chỗ sâu nhất 35m. Hồ Ba Bể nằm ở độ cao 150m so với mặt biển, được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi cao và những cánh rừng già nguyên sinh, nước hồ trong xanh, quanh năm mát mẻ. Toàn cảnh hồ như một bức tranh thuỷ mặc. Với cấu tạo địa chất đặc biệt, hồ Ba Bể có những nét riêng rất khác biệt so với các hồ karst trên thế giới. Vì vậy, tại Hội nghị quốc tế về hồ nước ngọt tổ chức tại Mỹ tháng 3/1995 hồ Ba Bể được xác định là 1 trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên đẹp của thế giới cần được bảo vệ. Năm 2012, hồ Ba Bể được công nhận là Di tích danh thắng quốc gia đặc biệt.

Bản du lịch cộng đồng Pác Ngòi, Ba Bể

Bản du lịch văn hóa Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể là bản nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày bên bờ sông Lèng sát với hồ Ba Bể. Đến với bản Pác Ngòi du khách sẽ được thưởng thức những món ăn ngon đặc sản của vùng hồ (cơm lam, cá nướng, tép chua, thịt chua, dạ yến, xôi ngũ sắc….), ngủ nhà sàn, tham quan hồ bằng thuyền độc mộc, đánh bắt cá trên sông, hồ, xem các thiếu nữ Tày biểu diễn hát then đàn tính…

Động Puông

Động Puông nằm trên dãy núi đá vôi Lũng Nham ở phía Bắc Vườn quốc gia Ba Bể, cách thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể khoảng 15km về phía Tây Nam. Trần động cao hơn 20m, rộng trung bình 30m, lòng động là dòng sông Năng thơ mộng chảy qua với chiều dài gần 300m. Trong động có rất nhiều cột đá, nhũ đá đẹp. Động là nơi sinh sống trú ngụ của 23 loài dơi với số lượng hàng vạn con. Qua động Puông, xuôi thuyền theo dòng sông Năng khoảng 8km là đến hồ Ba Bể, đi thêm khoảng 3km nữa sẽ đến thác Đầu Đẳng.

Ao Tiên

Ao Tiên là hồ nước nhỏ nằm trên đỉnh núi phía Bắc hồ Ba Bể. Từ hồ Ba Bể đi bộ khoảng 100m là đến Ao Tiên. Ao Tiên rộng hơn 3.000m2, được bao bọc bởi núi đá vôi và rừng già nguyên sinh, nước ao trong xanh, mát lạnh. Ao Tiên có nhiều loại cá quý như cá chép kính, cá lăng, cá chiên… Đến Ao Tiên du khách còn được ngắm nhìn những dấu chân trên đá và nghe câu chuyện huyền thoại về chàng thợ săn và bảy nàng tiên nữ.

Văn hóa, Lễ hội

Chợ phiên vùng cao

Chợ phiên là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, không thể thiếu trong đời sống người dân vùng cao Bắc Kạn. Chợ không chỉ là nơi để trao đổi, mua bán hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, trò chuyện và giao lưu văn hóa của bà con nơi đây. Chợ phiên họp 5 ngày một phiên theo ngày âm lịch và được tổ chức xen kẽ, luân phiên ở trung tâm huyện lỵ, trung tâm xã, liên xã. Hàng hóa được bày bán ở chợ cũng rất đa dạng, phong phú chủ yếu là các sản vật của núi rừng hay những sản phẩm do chính người dân nơi đây làm ra. Đến với chợ phiên, du khách sẽ được thoải mái ngắm nhìn, mua sắm những sản vật của núi rừng, thưởng thức chén rượu ngô thơm nồng và hòa mình cùng không khí đông vui nhộn nhịp của người dân vùng cao xuống chợ. Chợ phiên không chỉ hấp dẫn đối với du khách trong nước, mà còn thu hút cả du khách nước ngoài.

Lễ hội Lồng tồng Ba Bể

Lễ hội Lồng tồng Ba Bể được tổ chức chính vào ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch hằng năm tại bản Bó Lù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể. Lễ hội Lồng tồng Ba Bể là lễ hội đầu năm của đồng bào các dân tộc vùng hồ Ba Bể, gồm 2 phần lễ và hội. Phần lễ được tổ chức nhằm cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Phần hội gồm các chương trình văn nghệ dân gian hát then đàn tính, múa khèn…; các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, tung còn, bắt vịt trên hồ, đua thuyền độc mộc, chọi bò, đấu võ dân tộc…. Lễ hội hằng năm đã thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham dự.

Hát then, đàn tính

Hát then là nghệ thuật dân gian truyền thống độc đáo của dân tộc Tày, Nùng, Thái các tỉnh miền núi phía Bắc. Hát then đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Bắc Kạn. Theo quan niệm dân gian, “Then” có nghĩa là “Thiên”, “Thiên” tức là “Trời”, vì vậy “Then” được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Chính vì thế, trong đời sống của người Tày cổ, then được dùng trong những sự kiện trọng đại như lễ cầu an, cầu mùa, cấp sắc…, thông qua làn điệu then lời cầu nguyện của người dân được chuyển đến nhà trời. Di sản then đang được xây dựng hồ sơ đệ trình lên UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Di tích lịch sử – văn hóa

Di tích lịch sử Nà Tu

Di tích lịch sử Nà Tu thuộc xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, nằm cạnh quốc lộ 3, cách thành phố Bắc Kạn 9km về phía Bắc. Đây là nơi đóng quân của phân đội thanh niên xung phong 312 làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Nà Cù và đoạn đường Nà Cù – Phủ Thông. Ngày 28/3/1951 trên đường đi công tác, Bác Hồ đã ghé thăm liên phân đội thanh niên xung phong 312. Sau khi ân cần thăm hỏi và căn dặn các đội viên khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ, Bác đã tặng đơn vị thanh niên xung phong 312 bốn câu thơ: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên.” Năm 1996, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận, xếp hạng Nà Tu là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Di tích được tôn tạo khang trang gồm nhà sàn tưởng niệm Bác Hồ; nhà bia, lán thanh niên xung phong và các công trình phụ trợ.

Di tích lịch sử đồn Phủ Thông

Di tích lịch sử đồn Phủ Thông thuộc thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông, cách thành phố Bắc Kạn 18km về phía Bắc. Tháng 10/1947, quân đội viễn chinh Pháp với gần 1.200 quân đã nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn (nay là thành phố Bắc Kạn) và tiến quân lên chiếm đóng, xây đồn kiên cố tại Phủ Thông nhằm khống chế và tiêu diệt lực lượng của ta. Quân ta đã ba lần tổ chức tập kích công đồn Phủ Thông. Đây là những trận công đồn đầu tiên khẳng định bước trưởng thành của quân đội ta, đồng thời là cuộc tập dượt, rút kinh nghiệm để đập tan cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh bại thực dân Pháp xâm lược. Năm 1996, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)  đã xếp hạng di tích đồn Phủ Thông là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Đền Thắm

Đền Thắm nằm ở khu vực ngã ba sông Cầu và sông Chu, thuộc tổ 6, thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới, cách đường quốc lộ 3 khoảng 1km, cách thành phố Bắc Kạn 45km về phía Nam. Tương truyền, đây là nơi ở của Cô Thắm xinh đẹp, giàu lòng yêu nước và nhân ái bao dung. Đền Thắm là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương và khách thập phương. Hội đền được tổ chức vào ngày Thượng Nguyên mùng 2/2 âm lịch hằng năm và mở cửa đón khách quanh năm. Đền Thắm là chốn linh thiêng có cảnh quan thiên nhiên đẹp thu hút du khách về vãn cảnh và chiêm bái.

Khu ATK Chợ Đồn

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với các huyện Đại Từ, Định Hoá (Thái Nguyên), Sơn Dương, Chiêm Hoá (Tuyên Quang), huyện Chợ Đồn đã được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm an toàn khu cho cuộc kháng chiến. Nhân dân huyện Chợ Đồn đã đón nhận, che chở cho các cơ quan Trung ương và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước.Trong thời gian từ năm 1947 đến 1952, hầu hết các lãnh đạo, cơ quan Trung ương đã đóng ở huyện Chợ Đồn như: Đài Tiếng nói Việt Nam, cơ quan Vô tuyến điện, nha kỹ thuật quân sự, trường Quân chính, xưởng quân giới, Xưởng in báo Cứu Quốc, trạm phẫu thuật quân y…Năm 2016, quần thể Di tích lịch sử ATK – Chợ Đồn (gồm 6 di tích lịch sử Bản Ca, Nà Pậu, Khuổi Linh, Bản Bẳng, Nà Quân, Đồi Khau Mạ) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt và cùng với các di tích lịch sử trong vùng, khu ATK Chợ Đồn là điểm đến tham quan tìm hiểu lịch sử của các thế hệ. Đến với ATK – Chợ Đồn, ngoài tham quan các di tích lịch sử cách mạng ghi dấu ấn hào hùng của dân tộc, du khách còn được tìm hiểu những nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân nơi đây.

Ẩm thực

Bánh trời của dân tộc Tày

Bánh trời (tiếng Tày gọi là Pẻng phạ) là món ăn độc đáo gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Tày vùng hồ Ba Bể, Bắc Kạn. Người dân nơi đây thường làm bánh trời trong mỗi dịp lễ, tết, vừa là để dâng lên bàn thờ tổ tiênvừa làm lễ vật trên mâm cúng Lễ hội Lồng tồng… Nguyên liệu chính chế biến món bánh trời là từ bột gạo nếp và đường mía. Sau khi viên thành từng viên sẽ đem chiên trên chảo mỡ già đến khi có màu vàng cánh gián. Tiếp đó, vớt bánh cho ráo mỡ, thả bánh vào nồi nước đường đã được nấu sền sệt để sẵn bên bếp cho đến khi đường ngấm vào trong thân bánh. Khi đường đã ngấm vào trong thân bánh, vớt ra trộn với bột gạo nếp đã được rang chín, tạo thành một lớp áo màu trắng và có mùi thơm ngọt dịu của bột gạo nếp rang. Ngày nay, cùng với sự phát triển của du lịch, bánh trời Ba Bể không chỉ là món ăn truyền thống sử dụng trong đời sống của người Tày nơi đây mà còn trở thành món đặc sản để phục vụ khách du lịch khi đến với hồ Ba Bể.

Bánh gio

Làm bánh gio rất cầu kỳ tỉ mỷ, người làm bánh phải khéo tay, tinh mắt. Muốn bánh gio ngon phải chọn các loại cây đốt thành gio trắng mịn đem hoà với nước vôi có nồng độ thích hợp. Quan trọng nhất là phải thử độ đậm nhạt của nước gio trước khi cho gạo nếp vào ngâm. Nếu nước gio đậm bánh sẽ chát không ăn được, nước gio nhạt bánh sẽ bị nhão. Gạo để làm bánh tốt nhất là gạo nếp nương giúp bánh dẻo và thơm. Người ta dùng lá chít gói bánh để bánh mới có màu vàng trong, dễ bóc và có mùi thơm đặc trưng. Nước chấm bánh gio là mật mía canh đặc vừa phải, màu vàng sẫm. Vào trưa hè oi bức ăn miếng bánh gio chấm với mật mía, du khách sẽ cảm nhận được hương vị thơm mát của món bánh đặc sản miền quê Bắc Kạn.

Miến dong Bắc Kạn

Miến dong Bắc Kạn được làm bằng tinh bột nguyên chất từ củ dong riềng, sợi miến dong thành phẩm có màu hơi xám (màu nhựa của củ dong). Miến được sản xuất bằng kinh nghiệm truyền thống của đồng bào dân tộc ở Bắc Kạn được truyền qua nhiều thế hệ. Ngày nay, việc sản xuất miến dong của đồng bào đỡ vất vả hơn và cho năng suất cao hơn nhờ ứng dụng công nghệ máy móc hiện đại. Trong quá trình chế biến, người ta không dùng các hóa chất tẩy trắng, nhuộm màu nên sợi miến giữ được màu sắc tự nhiên của miến dong riềng. Sợi miến sau khi nấu để nguội không bị bở, nát, sợi dai, có hương thơm đặc trưng.

Với nguồn nguyên liệu nguyên chất từ củ dong, quy trình chế biến không pha trộn các tạp chất, miến dong Bắc Kạn đã được Cục sở hữu trí tuệ – Bộ khoa học Công nghệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể và trở thành thương hiệu sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Chè shan tuyết Bằng Phúc, Chợ Đồn, Bắc Kạn

Bằng Phúc hiện còn trên 1.000 gốc chè cổ thụ trên 100 năm tuổi đang cho thu hoạch, trong đó có cây hơn 300 năm tuổi. Mỗi cây chè shan tuyết có chiều cao hàng chục mét với tán cây rộng, che kín mặt đất vài chục mét vuông. Khác với các giống chè khác, búp chè shan tuyết to, mập hơn, bên ngoài có phủ một lớp lông tơ trắng trông như những bông hoa tuyết. Chè sau khi thu hái tươi về được sao ngay chứ không đem phơi như chè thường. Nếu không làm như vậy thì khi sao xong chè sẽ mất tuyết, chất lượng chè giảm hẳn. Khi sao khô búp chè shan tuyết có màu trắng bạc, pha nước sóng sánh màu vàng. Chè shan tuyết Bằng Phúc là đặc sản của vùng quê hương cách mạng huyện Chợ Đồn nói riêng của tỉnh Bắc Kạn nói chung.

Quýt Bắc Kạn

Quýt Bắc Kạn là loại quả đặc sản được phát triển rộng trên địa bàn tỉnh. Quýt được trồng tập trung ở các xã Quang Thuận, Dương Phong (huyện Bạch Thông), xã Rã Bản (huyện Chợ Đồn) với sản lượng hàng nghìn tấn/năm. Quýt Bắc Kạn quả to, vỏ mỏng, nhiều nước, khi chín chua dịu, độ ngọt vừa phải, mùi thơm hấp dẫn. Vụ thu hoạch quýt bắt đầu từ tháng 9 đến hết tháng 12 âm lịch. Quýt Bắc Kạn đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Hồng không hạt

Do nhân bản vô tính qua nhiều thế hệ, nên Bắc Kạn có loại đặc sản hồng không hạt nổi tiếng, khi ăn giòn, ngọt, hương vị rất đặc biệt. Hồng không hạt được trồng trên khắp địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Hồng cho thu hoạch vào tháng 8 – 9 âm lịch hàng năm. Cùng với quýt Bắc Kạn, hồng không hạt Bắc Kạn đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Tép chua, cá nướng hồ Ba Bể

Đặc sản tép chua Ba Bể được làm từ tép tươi đánh bắt ở hồ Ba Bể, sau khi rửa sạch, trộn tép với cơm gạo nương nấu chín tới để nguội, ủ với men lá để khoảng 4 đến 5 ngày đem chưng chín (có thể cho thêm thịt băm), khi ăn có vị chua, thơm ngon đặc biệt. Cá mương là loại cá nhỏ, sống tự nhiên và có rất nhiều ở vùng hồ Ba Bể. Cá được đánh bắt bằng phương pháp thủ công (quăng chài, cất vó). Cá đánh bắt về  đem mổ, rửa sạch, kẹp trong những thanh tre nhỏ, để ráo nước sau đó đem nướng trên than củi. Cá chín có màu vàng sẫm, khi ăn chấm với tương ớt rất thơm ngon.

Với lịch sử, văn hóa lâu đời, sự ưu ái của thiên nhiên cùng nhiều định hướng và giải pháp cụ thể, Du lịch Bắc Kạn đã, đang có những bước tiến mới, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content