Bắc Kạn quy hoạch hạ tầng giao thông bảo đảm kết nối đồng bộ, linh hoạt

BBK – Hoàn thiện kết cấu hạ tầng là một trong 4 đột phá chiến lược mà tỉnh Bắc Kạn đề ra trong Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó hạ tầng giao thông vận tải được xác định là lĩnh vực cần tập trung đầu tư.

Quy hoạch mạng lưới giao thông của tỉnh lần này mang tính chất đồng bộ và hiện đại, kết nối. Các tuyến đường đầu tư xây dựng theo hướng kết nối đến khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch, hệ thống bến thủy, các trục chính trong đô thị và các trục nối các vùng kinh tế trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời gắn kết với củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân.

Tuyến đường BOT Thái Nguyên-Chợ Mới được hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng năm 2017.

Mục tiêu đến năm 2030, xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn đạt quy mô 4-6 làn xe; đầu tư xây dựng tuyến đường tốc độ cao Bắc Kạn – Cao Bằng. Đến năm 2050 hoàn thiện xây dựng tuyến cao tốc đoạn từ thành phố Bắc Kạn đến thành phố Cao Bằng quy mô 4 làn xe theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Hoàn thiện tuyến đường trục Đông Tây, nghiên cứu chuyển thành tuyến đường cao tốc kết nối cao tốc CT14 (Phú Thọ – Tuyên Quang – Hà Giang) với cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh quy mô 4 làn xe.

Hoàn thành nâng cấp các tuyến đường quốc lộ trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn đường cấp III – IV.MN. Đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh cơ bản đạt quy mô cấp IV – V.MN. Nâng cấp, mở rộng, bê tông hoặc nhựa hóa 100% hệ thống các tuyến đường đường xã, đường liên thôn xóm. Đảm bảo cho các phương tiện có thể đi lại được trong 4 mùa.

Quy hoạch một số tuyến đường mới như: Tuyến đường Bắc Kạn – Cao Bằng với quy mô tối thiểu cấp III, 2 làn xe, hướng tuyến bám theo hướng tuyến đường cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng; tuyến đường trục Đông Tây kết nối Tuyên Quang – Bắc Kạn – Lạng Sơn.

Mở mới một số tuyến đường như: Vành đai phía Đông thành phố Bắc Kạn; TP. Bắc Kạn – hồ Ba Bể; Thanh Vận – Cao Kỳ; Cao Kỳ – Yên Cư; tuyến kết nối ĐT.258B tại xã Công Bằng, huyện Pác Nặm sang xã Yên Thổ, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng; tuyến Khang Ninh – Cao Thượng – Cổ Linh…

Nâng cấp, cải tạo bến xe khách liên tỉnh hiện trạng và xây dựng các bến xe nội tỉnh đặt tại trung tâm các huyện, thuận tiện cho nhu cầu đi lại, vận chuyển của người dân địa phương. Hoàn thành nâng cấp bến xe khách Bắc Kạn đạt tiêu chuẩn loại II diện tích đạt 10.000m2. Xây dựng bến xe mới tại vị trí trên trục đường QL3 mới Chợ Mới – thành phố Bắc Kạn đoạn cuối tuyến thuộc tổ 16, phường Sông Cầu đạt tiêu chuẩn loại 3, diện tích 10.000m2.

Xây dựng hệ thống bãi đỗ xe trên địa bàn các huyện để đáp ứng nhu cầu phục vụ vận tải tỉnh Bắc Kạn. Đề xuất xây dựng 01 bãi đỗ xe quy mô lớn tại khu vực hồ Ba Bể với diện tích 60ha để phục vụ đón khách du lịch hồ Ba Bể, 03 trung tâm logistics trong đó 2 trung tâm logistics liên vùng tại khu vực huyện Chợ Mới, huyện Bạch Thông và 1 trung tâm logistics nội tỉnh tại thành phố Bắc Kạn.

Khi hình thành tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng, đề xuất xây dựng 02 trạm dừng nghỉ dọc theo tuyến cao tốc.

Khi Quy hoạch được phê duyệt, những giải pháp mà tỉnh đưa ra đó là sẽ tập trung ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm có tính đột phá, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; đa dạng hoá các hình thức đầu tư như liên doanh, liên kết, hợp tác nhà nước và tư nhân (PPP); đẩy mạnh hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế để thu hút, huy động vốn đầu tư nước ngoài. Xây dựng cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư phát triển, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa,…

Nguồn vốn thực hiện chủ yếu là ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, hợp tác nhà nước và tư nhân PPP, BOT… Tỉnh sẽ nghiên cứu phương án đối với giao thông đô thị cần có chính sách và giải pháp tạo vốn thích hợp như đổi đất để lấy cơ sở hạ tầng giao thông và khai thác quỹ đất ven, dọc theo các trục đường để tạo vốn xây dựng đường giao thông.

Hệ thống giao thông vận tải là một trong những trụ cột quan trọng trong sự phát triển của mỗi địa phương. Quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Bắc Kạn xây dựng theo hướng luôn đặt trong bối cảnh phát triển vùng, quốc gia, hướng tới việc “mở đường” cho liên kết phát triển vùng, tạo điều kiện để tỉnh Bắc Kạn chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian tới./.

Nguồn: baobackan.com.vn (Tác giả Phương Thảo)

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content